Bác sĩ, chuyên khoa I, Lê Thị Hải Hậu – Trường khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên cho biết:
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Một số lý do phổ biến nhất khiến trẻ bị tiêu chảy bao gồm:
Nhiễm trùng đường ruột
Có nhiều loại vi trùng được xem là tác nhân khiến đường ruột của trẻ bị nhiễm trùng. Chúng là:
Virus: Viêm dạ dày ruột do virus (thường được gọi là “cúm dạ dày”) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Nó gây ra hiện tượng tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày, và bệnh nhi (đặc biệt là trẻ sơ sinh) dễ bị mất nước do không bổ sung đủ chất lỏng cho cơ thể.
Rotavirus (thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) cũng có thể gây tiêu chảy. Các đợt bùng phát bệnh phổ biến hơn vào mùa đông và đầu xuân. Đáng mừng là vaccine rotavirus có khả năng bảo vệ trẻ khỏi loại virus này.
Một loại virus đường ruột khác cũng chực chờ tấn công hệ tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, đó là Enterovirus. Loài này sinh sôi quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất trong những tháng mùa hè.
Vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, chẳng hạn như E. coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella… Chúng thường xâm nhập hệ tiêu hóa sau khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, khiến trẻ đi ngoài phân lỏng và nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm.
Ký sinh trùng: Các loại ký sinh trùng được xem là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em bao gồm giardiasis và cryptosporidiosis.
Bên cạnh ba tác nhân kể trên, đôi khi trẻ em bị tiêu chảy là do:
Có chế độ ăn nhiều đường (ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước trái cây đóng hộp…)
Dị ứng thực phẩm
Không dung nạp lactose, fructose hoặc sucrose
Đang bị các vấn đề về ruột như bệnh celiac, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng…
Dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ em
Biểu hiện thường thấy đầu tiên ở những trẻ bị tiêu chảy là những cơn đau bụng quặn thắt, sau đó là đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày (trung bình từ 3 – 5 ngày). Ngoài ra, trẻ còn gặp phải một số triệu chứng khác như: (2)
Sốt;
Mất cảm giác ngon miệng;
Buồn nôn (cảm giác khó chịu trước khi nôn);
Nôn nhiều lần;
Sụt cân;
Mất nước.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trẻ bị tiêu chảy nhẹ không cần đến bác sĩ, bệnh sẽ tự hết trong vòng vài ngày. Cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay nếu thấy các dấu hiệu sau: (3)
Trẻ dưới 6 tháng tuổi;
Đi ngoài phân lẫn máu;
Đau bụng dữ dội;
Chướng bụng;
Đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần trên ngày .
Trẻ không có cảm giác thèm ăn, thậm chí không muốn ăn bất cứ món gì;
Trẻ nôn mọi thứ sau ăn;
Trẻ lừ đừ, không chơi đùa;
Trẻ quấy khóc liên tục;
Trẻ có dấu hiệu mất nước;
Sốt cao liên tục khó hạ;
Các dấu hiệu bệnh nặng khác: thở mệt, vã mồ hôi, mê man…
Trẻ có cơ địa đặc biệt: béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính (tim mạch, suy giảm miễn dịch…).
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TÂN YÊN