Chặng đường phát triển và những thành tựu của Trung tâm y tế huyện Tân Yên

Chặng đường phát triển và những thành tựu của  Trung tâm y tế huyện Tân Yên
Tác giả: Trung tâm Y tế huyện Tân Yên

 

Bẩy mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế và ngày 27/2 trở thành ngày Thầy thuốc Việt Nam. Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành, cùng đất nước, ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về y tế của Liên Hợp Quốc với nhiều chỉ số về hệ thống y tế, về sức khỏe cao hơn so với các nước có mức phát triển tương đương.

Trải qua những thời điểm lịch sử khác nhau dưới sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo của Sở Y tế, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ y tế, ngành y tế Tân Yên đã vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chung của huyện, với các giai đoạn như:

          I - GIAI ĐOẠN 1954 -1965        

          Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công tác Y tế huyện nhà đứng trước những nhiệm vụ mới, Trạm y tế huyện được thành lập thay cho phòng phát thuốc (năm 1958); các đội phòng chống sốt rét, đội chống lao-phong được thành lập, đổi tên đội y tế lưu động thành đội vệ sinh phòng dịch; xây dựng, củng cố trạm hộ sinh xã; phát động phong trào vệ sinh phòng dịch với nội dung chủ yếu là ba sạch, bốn diệt, thực hiện thường xuyên công tác tiêm chủng, đẩy mạnh phong trào xây dựng các xóm, xã điển hình. Vinh dự trong năm 1958 công tác y tế của huyện được đón đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến thăm và học tập kinh nghiệm đồng thời huyện được Bác Hồ tặng 01 chiếc xe cứu thương. (nguồn từ bài viết của đ.c Phạm Thị Ánh Tuyết nguyên giám đốc Bệnh viên).

Trong giai đoạn này Y tế huyện và các đội phòng dịch tại các xã thường xuyên phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp tuyên truyền kiến thức về vệ sinh thai sản, vệ sinh phụ nữ, vận động xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh; một số xã thành lập các tổ “trợ sản” giúp nhau khi sinh đẻ, ốm đau, vận động chị em đi khám phụ khoa, đăng ký khám thai, thăm hỏi khi sinh đẻ, năm 1962, công tác sinh đẻ có hướng dẫn (sau là sinh đẻ có kế hoạch) bắt đầu được triển khai rất tích cực. Công tác phòng chống các bệnh sốt rét, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống sốt rét, năm 1962 Y tế huyện đã tham mưu tổ chức thực triển khai thành lập các đội đến tận các xã thực chiến dịch tấn công tiêu diệt bệnh sốt rét, phun thuốc DDT. Công tác dược và kết hợp Đông – Tây y được quan tâm, đẩy mạnh, huyện Tân Yên là 1 trong 3 huyện 100% số xã có quầy bán thuốc.

II - GIAI ĐOẠN 1965-1975

Tháng 8/1964, Mỹ bắn phá miền Bắc, Ty Y tế Hà Bắc đã triển hai họp, chỉ thị toàn ngành thành lập các ban chỉ huy phòng không, các cơ sở y tế khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn, phân tán bệnh viện, thành lập các tổ, đội cấp cứu và huấn luyện mạng lưới cấp cứu phòng không, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chuẩn bị tốt hầm, hào phòng tránh cho bệnh nhân, phòng làm kỹ thuật, nơi cất giữ vật tư y tế đề ra phương châm: “phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu và đời sống”. Tháng 8/1966 địch ồ ạt đánh phá hai huyện Tân Yên, Yên Thế, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Ty Y tế, trạm y tế huyện đã cử cán bộ phối hợp tham gia ngày đêm, cứu chữa người bị thương.

Năm 1966, Ủy ban hành chính tỉnh đã quyết định nâng cấp, chuyển các bệnh xá huyện, thành bệnh viện có từ 30 - 50 giường bệnh. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện Tân Yên thời kỳ này làm được các phẫu thuật cấp cứu ngoại, sản và vết thương phần mềm cứu sống được nhiều người bị thương trong chiến tranh, các y, bác sĩ bệnh viện huyện, y tá, nữ hộ sinh trạm y tế xã được tham gia các lớp học ngoại khóa, tập huấn những nội dung cơ bản trong cấp cứu chiến thương, kỹ thuật cấp cứu cơ bản.

Đến năm 1967 Y tế tuyến huyện đã có các bộ đại phẫu, trung phẫu, tiểu phẫu, ... có đủ cán bộ nội, nhi, lây, ngoại, sản và một số chuyên khoa, có dược sĩ pha chế được huyết thanh, thuốc đông dược, cấp phát thuốc… hầu hết các trạm y tế xã được trang bị bộ tiểu phẫu; y tế tuyến cơ sở lúc đó được phân ra 4 tuyến điều trị, trong đó y tế tuyến xã và huyện nằm ở tuyến 2 và 3. Đội ngũ y bác sĩ được nâng lên (năm 1971 toàn huyện có 31 y sĩ, 95 y tế (văn kiện đại hội đảng bộ huyện khoá VIII).

 Ngoài việc tập trung cho công tác điều trị, cứu chữa người bị thương, trong giai đoạn này Y tế huyện nhà còn tích cực hưởng ứng các phong trào đi đua của ngành phát động như: đợt thi đua “Vệ sinh yêu nước chống Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng dịch tại cơ sở, công tác vệ sinh phụ nữ và vệ sinh thai sản được chú trọng, thường xuyên được tuyên truyền, thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng hố xí hai ngăn, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…từ đó hạn chế được một số dịch bệnh như đau mắt hột, dịch tả, dịch sởi…Phong trào tự trồng cây thuốc nam trong bệnh viện cũng được nhân rộng.

Tính đến năm 1985, bệnh viện huyện đã được đầu tư thêm giường bệnh, các trạm y tế đều được đầu tư, nâng cấp chất lượng khám chữa, bệnh dự phòng bệnh tật và công tác dân số được nâng lên.

III. GIAI ĐOẠN 1990- ĐẾN NAY 

       Để đảm bảo hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ, bộ máy hành chính thực hiện công tác y tế - dân số trên địa bàn có nhiều biến động hợp nhất, tách rời và hợp nhất như:

- Đến năm 1994, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên được thành lập dựa trên nền tảng của mô hình cũ với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.

- Năm 1999, Ủy ban Dân số - KHHGĐ huyện Tân Yên được thành lập theo quyết định số 275/CT ngày 22/12/1999 của UBND huyện Tân Yên.

- Ngày 01/5/2005 Trung tâm Y tế huyện Tân Yên tách ra thành hai đơn vị: Phòng Y tế với chức năng tham mưu cho UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế. Trung tâm Y tế trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ: Khám chữa bệnh và y tế dự phòng và năm 2006 Trung tâm Y tế được tách ra thành: Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế dự phòng.

- Năm 2008 Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tân Yên được thành lập do Sở Y tế tỉnh Bắc Giang quản lý. Đến tháng 7/2013 Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện được chuyển từ đơn vị trực thuộc Chi Cục Dân số- KHHGD thuộc Sở Y tế về UBND huyện Tân Yên quản lý.

 

- Năm 2019 Trung Tâm Y tế huyện Tân Yên được thành lập theo Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc thành lập Trung tâm Y tế huyện Tân Yên trên cơ sở sáp nhập 03 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên, Trung tâm Y tế huyện Tân YênTrung tâm Dân số KHHGĐ huyện; tổ chức bộ máy gồm Ban Giám đốc 05 người, 05 phòng chức năng, 16 khoa chuyên môn và 24 trạm Y tế xã, thị trấn với tổng số 409 viên chức, người lao động.

- Đến 01/01/2025 tổ chức bộ máy của Trung tâm Y tế huyện Tân Yên được chuyển về UBND huyện quản lý, bộ máy gồm: Ban giám đốc 04 đồng chí; 05 phòng chức năng, 16 khoa lâm sàng, cận lâm sàng và 19 trạm y tế xã, thị trấn.

Sau quá trình thay đổi và hợp nhất, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên cũng đã gặp nhiều khó khăn, hạn chế như đội ngũ nhân lực đặc biệt là đội ngũ bác sĩ còn thiếu,  sự cạnh tranh của các cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn, mô hình làm việc mới chưa ổn định. Nhưng với phương châm “Chất lượng – An toàn – Phát triển”, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên xác định cần đưa các dịch vụ y tế gần người dân hơn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp tiếp cận một cách tốt nhất, nhờ sự hoàn thiện của hệ thống y tế từ huyện đến các xã, thị trấn, quyết tâm đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, người dân trong huyện đã được tiếp nhận thông tin sức khoẻ, dịch vụ dự phòng bệnh tật và được chăm sóc điều trị khi mắc bệnh và phục hồi chức năng. Đến tháng 01/2025 Trung tâm y tế huyện là đơn vị hạng II, được xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản, quy mô 300 giường kế hoạch, tăng hơn 90 giường bệnh bệnh so với năm 2019. Đến hết năm 2024 có 09/22 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về chuẩn y tế giai đoạn đến năm 2030. Từ năm 2019-2022 đơn vị được đầu tư đưa vào sử dụng toà nhà 7 tầng với diện tích sàn 10.500m2 với quy mô 150 giường bệnh được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022 với trang thiết bị hiện đại như: hệ thống cắt lớp vi tính CT-scanner; máy chụp Xquang kỹ thuật số; máy đo lưu huyết não; máy đo độ loãng xương; hệ thống siêu âm tim; máy siêu âm mầu 4D; hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng; hệ thống máy gây mê kèm thở, monitor theo dõi bệnh nhân; hệ thống máy chạy thận nhân tạo; máy xét nghiệm miễn dịch tự động, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động, máy đo lưu huyết não, máy đo độ loãng xương, hệ thống nội soi tiêu hóa, nội soi tiêu hóa can thiệp, máy tán sỏi laser ...

Công tác nhân lực luôn được Trung tâm quan tậm và chú trọng phát triển về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 12 năm 2024, toàn Trung tâm 419 viên chức, trong đó tuyến huyện là 251 người, tuyến xã 168 người (trong đó có 96 bác sĩ:  27 Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I; 231điều dưỡng, kỹ thuật y, hộ sinh, y sĩ và 317 nhân viên y tế thôn, khu phố.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, trong thời gian từ khi thành lập năm 2019 đến nay Trung tâm tiếp tục triển khai các kỹ thuật như: Phẫu thuật lấy thai lần 1, lần 2 trở lên, phẫu thuật nội soi U nang buồng chứng, chửa ngoài tử cung..., phẫu thuật mở bụng cắt tử cung bán phần, cắt tử cung toàn phần; phẫu thuật kết hợp xương, PT tháo phương tiện kết hợp xương, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm; phẫu thuật cắt amidal, phẫu thuật nạo VA, phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi...; nội soi chẩn đoán, nội soi chẩn đoán can thiệp; siêu âm tim, chụp CT-scanner, xquang kỹ thuật số, đo lưu huyết não, đo độ loãng xương, siêu âm mầu; xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động; kéo dãn cột sống, siêu âm điều trị, laser nội mạch... Với sự tập trung đâu tư phát triển về chất lượng và quy mô, hằng năm Trung tâm luôn được Sở y tế phê duyệt các kỹ thuật mới, hiện tại đơn vị đã thực hiện 4.167 kỹ thuật, trong đó có các kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện và đem lại nhiều kết quả lợi ích cho nhân dân trong huyện; trong năm 2023-2024 trung tâm phát triển được 57 kỹ thuật mới vượt tuyến; trong đó có các kỹ thuật cao, như: Phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày; Nội soi can thiệp cắt polip ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng); Các kỹ thuật tiêm khớp, Siêu âm tim, Đo độ loãng xương, Đo lưu huyết não... Xây dựng và triển khai các quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật để áp dụng thực hiện trong khám bệnh, chữa bệnh, như 76 quy trình ISO 9001- 2015, 50 quy trình chuyên môn, trên 900 quy trình kỹ thuật thuộc các lĩnh vực Cấp cứu, Nội, Ngoại, Sản, Nhi, YHCT và PHCN, khám bệnh, Liên chuyên khoa, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng... Trong năm 2024 tiếp nhận chuyển giao từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang 04 kỹ thuật (tán sỏi nội soi ngược dòng; phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản; giải phẫu bệnh; siêu âm tim...) hiện đơn vị đã làm chủ được kỹ thuật. Đặc biệt tham mưu với Uỷ ban nhân dân huyện đầu tư đơn nguyên thận nhân tạo triển khai hoạt động từ tháng 5 năm 2020, hiện đang duy trì chạy thận nhân tạo cho trên 30 người bệnh suy thận trên địa bàn huyện và vùng lân cận giải quyết những khó khăn cho người bệnh. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của các, y bác sĩ về công tác điều trị, công tác dự phòng, dân số hàng năm được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh đưa vào ứng dụng thực tiễn rất hiệu quả.

Về ng dụng công nghệ thông tin: Trung tâm từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa, tích hợp hệ thống thông tin y tế tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành và của BHXH Việt Nam. Tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm tiến tới xây dựng bệnh án điện tử như: Hệ thống máy chủ phục vụ cho HIS-LIS; hệ thống máy chủ backup dữ liệu; triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) với các phân hệ cho khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú, quản lý tài chính, vật tư y tế, vật tư tiêu hao; quản lý dược, BHYT; quản lý bệnh án ngoại trú; kết nối xét nghiệm, quản lý xét nghiệm (LIS); kết nối chẩn đoán hình ảnh (PACS); đã nâng cấp hệ thống mạng, wifi trong toàn trung tâm; đã Nâng cấp cải tạo hệ thống máy chủ, hệ thống mạng LAN đáp ứng mức 3 theo Thông tư 54/2017/TT-BYT ban hành phụ lục 1 tiêu chí hạ tầng CNTT; mục tiêu từng bước tiến tới triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trong năm 2025, hoàn thiện và tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn huyện...

Song song với sự phát triển của mạng lưới điều trị bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, tham mưu đầu tư toàn diện từ nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất, tính đến tháng 01/2025, 19/19 trạm y tế có bác sĩ, …/19 trạm y tế được xây mới và sửa chữa trụ sở làm việc, trang thiết bị được đầu tư cơ bản. Đội ngũ viên chức khối dự phòng và trạm y tế thường xuyên được được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả tạo điều kiện cho người dân được phòng bệnh tích cực và chủ động. Công tác dự phòng đã đạt được những kết quả đáng kích lệ, hằng năm tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 98%; kịp thời kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh lưu hành thường xuyên theo mùa, thường xuyên giám sát, điều tra dịch tễ học… công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Tích cực triển khai các phong trào vệ sinh môi trường, vệ sinh trường học, vệ sinh nghề nghiệp; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống các bệnh không lây nhiễm; phòng chống lạm dụng rượu, bia. Hoạt động can thiệp dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS  triển khai với đa dạng dịch vụ; duy trì hiệu quả cơ sở điều trị Methadone, cấp thuốc điều trị ngoại trú bệnh nhân HIV/AIDS đã  tác động tích cực tới đảm bảo trật tự an toàn xã hội giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Trong năm 2020 đến năm 2022, năng lực của ngành y tế một lần nữa được thử thách trước đại dịch Covid-19 và với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, trách nhiệm viên chức và người lao động của Trung tâm đã tham mưu với địa phương với tinh thần thần tốc, quyết liệt với phương châm “ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả” hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả đã điều trị cho 366 người bệnh nhiễm Covid-19 tại cơ sở 2 điều trị Covid-19 tại Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh- tại xã Quế Nham Tân Yên; điều trị cho 266 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Trung tâm điều dưỡng người có công- tại xã Quế Nham Tân Yên; quản lý điều trị tại nhà cho trên 16.000 người bệnh nhiễm Covid- 19 tại nhà; tỷ lệ người bệnh bị tử vong do nhiễm Covid-19 thấp nhất trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó Trung tâm còn cử các y bác sĩ tham gia hỗ trợ chống dịch Covid tại địa bàn tỉnh Bình Dương và Thành phố Hà Nội.

Công tác Dân số và phát triển cũng được Trung tâm tích cực tham mưu, triển khai, thực hiện:  Các hoạt động chuyên môn về truyền thông - giáo dục, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện đồng bộ làm nhận thức, thái độ, hành vi về dân số - KHHGĐ đã có chuyển biến tích cực. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ thường xuyên được củng cố và nâng cao chất lượng.

Ngoài thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác chuyên môn, đơn vị còn tích cực tham gia các hoạt động khác theo sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, đặc biệt năm 2024 Trung tâm đã tham gia hoạt động diễn tập phòng thủ, thành lập 01 bệnh viện dã chiến tại xã An Dương, kết thúc hoạt động đơn vị đã được UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với những thành tựu đã đạt được, năm 2011, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm, động viên, chúc mừng những thành tựu của đơn vị, và trong những năm qua Trung tâm Y tế huyện và nhiều cá nhân được khen thưởng các cấp, ngành khen thưởng, trong đó:

Tập thể: Năm 2021, 2023 được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen Trung tâm Y tế đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Bắc Giang; năm 2024 được UBND tỉnh Bắc Giang tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước tỉnh Bắc Giang năm 2024.

Cá nhân: 03 cá nhân được phong tặng Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Phạm Thị Ánh Tuyết – Nguyên giám đốc Bệnh viện, Bác sĩ Lê Thị Hân – Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế, Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàn – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Có cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều các nhân và tập thể khoa, phòng, trạm Y tế được, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế và UBND huyện khen thưởng hằng năm.

Với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu và đoàn kết, thống nhất trong toàn Trung tâm Y tế, nhiều giải pháp củng cố và phát triển của Trung tâm y tế đã được triển khai và thực hiện; chất lượng công tác khám chữa bệnh, công tác dự phòng dịch bệnh và công tác dân số và phát triển được Trung tâm Y tế quyết tâm triển khai có hiệu quả kể cả quy mô và chất lượng, các chỉ số về sức khoẻ, chăm sóc ban đầu của người dân trên địa bàn được cải thiện góp phần vào kết quả tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương.

Trong thời gian tới để đưa hoạt động của đơn vị đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới, Trung tâm y tế huyện xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, công tác dự phòng bệnh và công tác dân số, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tập trung triển khai hoạt động chuyển đổi số, hướng dẫn thực hiện quản lý sức khỏe điện tử, sổ khám chữa bệnh điện tử, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đến từng người dân. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân lực y tế đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần quan trọng trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Đảm bảo duy trì thực hiện tốt các quy chế chuyên môn. Từng bước xây dựng Trung tâm Y tế tuyến huyện có chất lượng chuyên môn cao, trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại; đến năm 2030 thực hiện chăm sóc sức khoẻ toàn diện với dịch vụ y tế tốt, xứng đáng là địa chỉ tin cậy cho nhân dân trong huyện và các vùng lân cận.